VOV.VN -Theo đó, Tokyo sẽ chi 24.700 tỷ yên (240 tỷ USD) trong 5 năm từ năm 2014-2019, tăng 5% so với ngân sách quốc phòng hiện tại.
Ngày 17/12, Nội các Nhật bản đã thông qua một chiến lược an ninh quốc gia mới và tăng chi tiêu quốc phòng trong một động thái được đánh giá là nhằm vào Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: AFP) |
Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ mua các thiết bị quân sự bao gồm máy bay không người lái, máy bay tàng hình và các phương tiện đổ bộ. Quân đội Nhật cũng sẽ xây dựng một đơn vị lính thủy mới, một lực lượng đổ bộ có khả năng đánh chiếm đảo.
Chiến lược mới của Nhật Bản được đánh giá là phản ánh mối lo ngại của nước này về sự “quyết đoán” ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các tuyên bố chủ quyền cũng như chi tiêu quốc phòng “mạnh tay” của Bắc Kinh.
Nhật Bản lần đầu tiên tăng ngân sách quốc phòng vào tháng 1/2013 sau một thập kỷ liên tục cắt giảm. Thủ tướng Shinzo Abe, người trở lại trong vai trò Thủ tướng 1 năm trước đây, đã kêu gọi tăng cường khả năng quân sự của đất nước vốn bị trói buộc bởi 1 bản Hiến pháp hòa bình.
Ông Abe cũng đã cho thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia để giám sát các vấn đề quan trọng.
Bình luận về chiến lược an ninh mới được phê chuẩn, ông Abe nói: “Việc phê duyệt chiến lược an ninh quốc gia, thực hiện chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản là rõ ràng và minh bạch, để cho cả người dân Nhật Bản và thế giới thấy được những gì chúng tôi làm”.
Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ mua nhiều vũ khí mới trong chiến dịch tăng cường quốc phòng, theo đó Tokyo sẽ chi 24.700 tỷ yên (240 tỉ USD) trong 5 năm từ năm 2014 - 2019, tăng 5% so với ngân sách quốc phòng hiện tại.
Số vũ khí mới sẽ mua bao gồm tàu khu trục, tàu ngầm, 52 xe lội nước, máy bay giám sát, máy bay chiến đấu của Mỹ và 17 trực thăng Osprey có khả năng cất cánh thẳng đứng.
Trực thăng Osprey nằm trong danh sách cần mua sắm của Quân đội Nhật Bản (Ảnh: AP) |
Hiện Mỹ đang đảm bảo quốc phòng an ninh cho Nhật Bản với một tàu sân bay hạt nhân và 50.000 quân đồn trú.
Công bố chi tiêu quân sự của Nhật Bản được cho là động thái đáp trả tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông của Trung Quốc bao gồm cả các đảo mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.
Ngay sau tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ động thái này, trong khi Mỹ gọi đó là “một nỗ lực để đơn phương thay đổi hiện trạng” trong khu vực.
Trong một động thái mới nhất, Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc không nên thiết lập một ADIZ khác trên Biển Đông. Ngày 17/8, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Philippines, Ngoại trưởng John Kerry cho rằng, Trung Quốc không nên có những hành động đơn phương tương tự ở Biển Đông.
Trước thông tin Nhật Bản thông qua một chiến lược an ninh quốc gia mới, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích chiến lược này và cho biết “sẽ theo dõi chặt chẽ chiến lược an ninh và định hướng chính sách của Nhật Bản”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Chỉ trích vô lý và thổi phồng của Nhật Bản về một mối đe dọa, trên thực tế là hoạt động hàng hải bình thường của Trung Quốc, rõ ràng mang động cơ chính trị”.
Theo một nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm thực hiện, Nhật Bản hiện có mức chi tiêu quân sự đứng hàng thứ 5 thế giới trong khi Trung Quốc xếp thứ 2 sau Mỹ.
Chính phủ của Thủ tướng Abe cho hay, chiến lược an ninh mới là phản ứng phù hợp để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, ông Abe đang sử dụng các mối đe dọa từ Trung Quốc để theo đuổi giấc mơ dân tộc của mình
CTV Cường Trần/VOV online
(theo BBC)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét